You are currently viewing Gần 20.000 tỉ đồng đầu tư cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

Gần 20.000 tỉ đồng đầu tư cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột

Rate this post

Bộ Giao thông vận tải trình Thủ tướng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột để tổ chức thẩm định, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án này.

cao tốc khánh hòa - buôn ma thuộtQuốc lộ 26 nối Khánh Hòa với Đắk Lắk hiện nay nhỏ, hẹp, không đáp ứng được nhu cầu vận tải trong tương lai – Ảnh: TRUNG TÂN

Theo đề xuất của bộ, cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có điểm đầu tại nút giao giữa quốc lộ 26B và quốc lộ 1, khu vực cảng Nam Vân Phong, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa; điểm cuối giao cắt với đường Hồ Chí Minh tránh phía đông thành phố Buôn Ma Thuột tại km12+450, thuộc địa phận xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk.

Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt,  cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có quy mô là 4 làn xe, dài khoảng 117,5km (qua Khánh Hòa khoảng 32,7km, qua tỉnh Đắk Lắk khoảng 84,8km).

Căn cứ nhu cầu vận tải, khả năng cân đối nguồn lực, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị:

Đoạn km0 đến km7+700 (nút giao cao tốc Bắc – Nam phía Đông): quy mô 4 làn xe hoàn thiện, mặt cắt ngang 24,75m.

Đoạn km7+700 đến km117+500 (cuối tuyến): quy mô phân kỳ đầu tư 4 làn xe, mặt cắt ngang 17m. Các hầm, cầu qua địa hình khó khăn, yếu tố kỹ thuật phức tạp và các đoạn nền đường đào sâu, đắp cao đầu tư theo quy mô hoàn thiện; giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn thiện.

Toàn tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dự kiến xây dựng 49 cầu trên tuyến chính, 7 cầu vượt ngang và 3 hầm gồm: hầm Phượng Hoàng dài khoảng 2.100m, hầm Ea Trang dài khoảng 700m và hầm Chư Te dài khoảng 700m.

Dự án được đề xuất thực hiện theo hình thức đầu tư công, sơ bộ tổng mức đầu tư theo quy mô phân kỳ (4 làn xe, bề rộng nền đường 17m) khoảng 21.935 tỉ đồng.

Tiến độ triển khai dự án được đề xuất: chuẩn bị dự án 2021 – 2023; thiết kế kỹ thuật, dự toán và thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư năm 2022 – 2024; khởi công năm 2023, hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng năm 2026.

Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dài 130km sẽ trình Quốc hội chủ trương đầu tư vào tháng 4/2022

Bộ Giao thông vận tải cho biết, chủ trương đầu tư dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột dài 130km với tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 17.435 tỷ dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét vào tháng 4/2022…

Quốc lộ 26 nối hai tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk nhỏ hẹp và thường xuyên hư hỏng.

Bộ Giao thông vận tải vừa nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Đắk Lắk đề nghị hỗ trợ nguồn lực đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông một số tuyến đường trên địa bàn.

Trả lời kiến nghị cử tri, Bộ Giao thông vận tải cho biết, do điều kiện nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ hết sức hạn hẹp, đối với kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 sẽ ưu tiên cân đối khoảng 6.210 tỷ đồng.

Trong đó, hoàn thành 1 dự án đang đầu tư, đó là xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột và khởi công mới 01 dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk được quy hoạch trong mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454 ngày 01/9/2021, tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột có tổng chiều dài 130km.

Điểm đầu dự án tại cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa, điểm cuối tại đường cao tốc Bắc Nam phía Tây, thành phố Buôn Mê Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Quy mô quy hoạch 04 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030.

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột và đang triển khai thủ tục thẩm định nội bộ làm cơ sở trình Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư dự kiến tháng 4/2022 làm cơ sở triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021 – 2025.

Ngày 16/12/2019, Bộ Chính trị có Kết luận số 67-KL/TW và Chính phủ có Nghị quyết số 103/NQ-CP ngày 09/7/2020 định hướng đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng tâm, trong đó có tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột.

Đồng thời, Tổng Thư ký Quốc hội có Thông báo số 4451 ngày 09/7/2021 trong đó xác định dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là ưu tiên trong giai đoạn 05 năm tới. Trên cơ sở đó, Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án theo tiêu chí quan trọng quốc gia.

Theo đề xuất, sơ bộ tổng mức đầu tư cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng 17.435 tỷ đồng. Cao tốc được xây dựng 4 làn xe hạn chế, bề rộng nền 17m, tốc độ thiết kế 80-120km/h. Riêng phần hầm sẽ xây dựng 2 ống riêng biệt, trước mắt hoàn thiện để khai thác 1 ống, ống còn lại hoàn thiện khi đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe cao tốc đầy đủ tại thời điểm thích hợp.

Bộ Giao thông vận tải cho biết thêm, thời gian qua, nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho tỉnh Đắk Lắk nên hệ thống giao thông trên địa bàn tỉnh đã và đang được đầu tư nâng cấp như: đường Hồ Chí Minh và các tuyến tránh đô thị Ea H’Leo, Buôn Hồ, Buôn Ma Thuột, Quốc lộ 14C, Quốc lộ 26, Quốc lộ 27, Quốc lộ 29, đường Trường Sơn Đông… cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và từng bước cải thiện đời sống của nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, các tuyến quốc lộ khác như 14, 14C, 26, 27, 29… chưa thể cân đối được nguồn vốn để thực hiện trong giai đoạn 2021 – 2025 do điều kiện nguồn lực được Quốc hội, Chính phủ phân bổ hết sức hạn hẹp.

Vì vậy, trước mắt, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát đánh giá, tăng cường duy tu, cải tạo mặt đường để đảm bảo nhu cầu đi lại trên tuyến.

Về tuyến đường giao thông từ thị xã Konhec, Campuchia đến cửa khẩu Đắk Ruê, tỉnh Đắk Lắk là tuyến đường nằm trên địa phận Campuchia nên việc nghiên cứu, đầu tư không thuộc thẩm quyền của Bộ Giao thông vận tải. Đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk nghiên cứu, trường hợp cần thiết báo cáo thống nhất với các bộ ngành liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Về đường vành đai thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk thuộc thẩm quyền quản lý đầu tư của UBND tỉnh. Bộ Giao thông vận tải đề nghị tỉnh Đắk Lắk sắp xếp thứ tự ưu tiên, chủ động cân đối ngân sách của tỉnh để đầu tư. Trường hợp khó khăn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ trực tiếp cho tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 – 2025.

Trả lời